Chùa Lâm Dương còn được gọi là quán Lâm Dương hay chùa Lâm Dương Quán thuộc thôn Đa Sĩ, phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, người dân quanh vùng còn gọi theo tên làng là chùa Đa Sỹ. Chùa được xây cạnh miếu Đa Sỹ thờ Hoàng Đôn Hòa, ông Tổ thuốc nam cuối thế kỉ XVI và phu nhân.
Lịch sử chùa Đa Sỹ
Bài kí trên bia Lâm Dương quán bi cho biết: “Cảnh quán ngoảnh bốn phía âm u, bên trái bên phải liền một dải đất, đằng trước đằng sau là sông nước cảnh đẹp, đầy đủ và thiêng liêng”. Chưa có tư liệu xác định chắc chắn thời điểm ra đời của quán Lâm Dương cũng như thời điểm quán được chuyển hóa thành chùa. Tuy nhiên, theo ghi chép trên tấm bia tạo năm 1680, thì lúc đó đã có chùa Lâm Dương. Qua nhiều lần tu sửa vào các năm 1628, 1680, 1724, 1740 và bẵng đi một thời gian dài, đến năm Bảo Đại 15 (1944) mới có một tấm bia ghi lần trùng tu nữa. Vì vậy, hiện nay chùa Lâm Dương quán mang đậm phong cách thời Nguyễn.
Chùa Đa Sỹ – Chùa Lâm Dương được xây dựng nhìn theo hướng Đông Nam – hướng truyền thống của kiến trúc Việt. Đây cũng là hướng của trí tuệ, mang tính dương, gắn với hạnh phúc, điều thiện, hướng của đế vương và thần linh.
Cấu trúc chùa Đa Sỹ
Chùa có bố cục mặt bằng gồm các hạng mục: Tam quan (kiêm gác chuông), Tam bảo có hành lang hai bên, điện Mẫu. Tam bảo (Tiền đường và Thượng điện) có mặt bằng chữ đinh. Mặt bằng bố cục các hạng mục kiến trúc này đã có sự thay đổi so với ghi chép trên tấm bia Hưng tạo Lâm Dương Quán dựng năm 1628 và Trùng tu Lâm Dương quán bi được tạo khoảng thế kỉ XIX.
Tam quan chùa đồng thời là Gác chuông được xây bằng gạch cao 10m gồm 2 tầng, có bốn cột đồng trụ, đầu trụ đắp tứ phượng, lá lật và trái giành. Tầng một gồm 3 cửa xây cuốn vòm có cầu thang đi lên ở đầu hồi bên phải. Tầng hai làm nhỏ hơn, cũng chia ba khoang, khoang giữa khá rộng có treo quả chuông đúc năm Cảnh Thịnh thứ nhất (1793).
Tòa Tiền đường 5 gian, đầu hồi bít đốc, tay ngai, hai tầng mái lợp ngói, phần cổ diêm chính giữa đắp nổi 3 chữ Hán lớn “Lâm Dương quán”. Các bộ vì theo kiểu kèo kẻ trên mặt bằng 4 hàng chân, không có hoa văn trang trí. Phong cách kiến trúc thời Nguyễn muộn, khoảng cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX.
Thượng điện được nối vào gian giữa Tiền đường tạo mặt bằng chữ đinh. Bộ vì làm kiểu thượng chồng rường, hạ cốn mê, trên cốn chạm hoa văn kỉ hà cách điệu hoa lá, phong cách nghệ thuật nửa đầu thế kỉ XX.
Hành lang được bắt đầu từ tường hậu của Tiền đường kéo dài đến gần sát hiên nhà Tổ. Hành lang gồm 6 gian với bộ vì kiểu chồng rường giá chiêng, bẩy hiên, ít có giá trị về kiến trúc nghệ thuật. Ngoài ra còn có nhà Tổ, nhà Điện, nhà bếp tạo thành một quần thể kiểu kiến trúc khép kín.
Nguyên gốc, đây là một ngôi quán Đạo giáo, xưa gọi là quán Lâm Dương, sau mới được gọi là chùa, cho nên hệ thống tượng thờ hiện nay có cả tượng Phật và tượng Thánh. Bên trái Tiền đường là các pho tượng Đức Ông và Già Lam – Chân Tể, bên phải là Thánh Tăng và Diệm Nhiên – Đại Sỹ cùng 5 pho tượng Hậu ở bên hồi.
Từ gian giữa Tiền đường nối về phía sau là Thượng điện. Lớp trên cùng, cao nhất là bộ tượng Tam Thanh gồm Ngọc Thanh ở giữa, hai bên là Thượng Thanh và Thái Thanh. Đây là một bộ tượng rất quan trọng và phải có ở các Đạo quán. Hai bên hồi là tượng Bồ tát Quan Âm tọa sơn và Quan Âm tống tử. Đây là bộ tượng phổ biến trong các ngôi chùa thờ Phật.
Tiếp theo là lớp thứ hai, ở chính giữa là bộ tượng Tam thế Phật gồm Phật quá khứ, Phật hiện tại và Phật vị lai. Bên trái bộ Tam thế là tượng một nhà sư mặc áo cà sa nhưng lại được đắp thêm nhiều cụm hoa to, hai bên là hai tượng hậu. Cả ba pho tượng này đều bài trí trên bệ với chân buông. Bên phải bộ Tam thế là Thái Thượng Lão Quân cùng hai vị thần tướng giúp việc là Trương Thiên Sư và Lý Thiên Sư.
Ở lớp thứ ba chỉ bài trí tượng Phật A Di Đà.
Lớp thứ tư là tượng Thánh Phụ và Thánh Mẫu – là bộ tượng của Đạo giáo.
Lớp thứ năm là tượng Quan Âm thiên thủ thiên nhãn, hai bên là tượng Kim Đồng và Ngọc Nữ.
Lớp thứ sáu là tượng Di Lặc và Tuyết Sơn. Hai pho tượng này bài trí ngang nhau. Đây là sự bài trí điển hình trong nhiều chùa thời Nguyễn.
Lớp thứ bẩy là tượng Thích Ca sơ sinh bài trí ở giữa, hai bên là Phạm Thiên và Đế Thích.
Lớp cuối cùng của Thượng điện là Nam Tào và Bắc Đẩu. Thông thường phải có tượng Ngọc Hoàng ở chính giữa, nhưng tại đây không thấy bài trí tượng này. Bên cạnh đó, Tòa Thượng điện còn bài trí tượng Hộ pháp Khuyến Thiện và Trừng Ác ở phía ngoài.
Ngoài ra còn có tượng Tam tòa Thánh Mẫu được thờ ở điện Mẫu riêng, ngoài khu Tam bảo và tượng Sư tổ họ Nguyễn Nghiêm, tượng hậu Phật của vợ chồng huyện thừa Trịnh Đức Nhuận và Phạm Thị Diệu.
Nét độc đáo của chùa Lâm Dương là bộ tượng Tam Thanh, ba vị thần tối thượng tượng trưng cho ba tiên cảnh của thế giới từ hỗn mang sang phân cực Âm – Dương, gồm Ngọc Thanh (Nguyên Thuỷ tiên tôn) ở giữa, Thượng Thanh (Linh Bảo Thiên Tôn – Thái Thượng Đạo Quân) ở bên trái và Thái Thanh (Đạo Đức Thiên Tôn) ở bên phải. Cả ba pho tượng đều có tạo hình thon thả, tỉ lệ các bộ phận cơ thể cân đối giống người thật, mặt hơi dài, mắt mở to tự nhiên, tóc búi, áo mặc nhiều lớp, có cánh tay thụng rất rộng tạo nên mảng lớn rủ xuống gần hết bệ ngồi. Phía trước từ dây dưng rủ xuống nút thắt con do và dải phướn áo. Trên dải phướn của tượng Ngọc Thanh để trơn, còn ở tượng Thái Thanh và Thượng Thanh chạm trang trí chữ triện phía dưới là bông hoa, cuối dải phướn được đeo mấy quả nhạc, gấu áo có các vạch thẳng như tua rủ. Bệ tượng hình vuông nhị cấp, trên mặt đứng của thành bệ được chạm nổi những u tròn nổi và những tia toả lan dạng bông hoa bảy cánh thường gặp ở thế kỉ XVII.
Tượng Thánh Phụ – Thánh Mẫu được bày trước bộ tượng Tam Thanh. Hai pho này khá giống nhau về hình dáng với tư thế ngồi, khuôn mặt trái xoan nuột nà, tai dài, cổ cao ba ngấn, chải tóc ngược lên thành búi ở đỉnh đầu và bao lại bằng khăn, mình mặc áo dài phủ ra ngoài yếm, váy buông chùng mềm mại, không trang trí hoa văn. Mặt trước bệ tượng chạm nổi hoa dây triện gấp khúc, phong cách nghệ thuật thời Nguyễn.
Bộ tượng Cửu Diệu Tinh Quân gồm 10 pho nhỏ, được bày thành hai hàng đối xứng ở tường hồi hai bên Thượng điện. Trong đó có 4 pho tư thế đứng nghiêm cân đối, đầu đội mũ, chân đi giày, mặc áo thụng dài, hai tay chắp trước ngực thuộc nhóm Tứ Trực Công Tào. Các pho còn lại trong tư thế động, mỗi pho một dáng vẻ, một nét mặt rất sống động, 5 pho có tóc búi lên trên đỉnh thuộc nhóm Ngũ Nhạc Tinh Quân, pho còn lại tóc ngắn, nét mặt phương phi giống một viên võ quan. Các bệ được làm liền với tượng, trên bệ chạm những hoa văn quen thuộc của thế kỉ XVII như cặp sừng bắt chéo nhau với các hạt tròn.
Bộ tượng Thái Thượng Lão Quân (Lão Tử) và Trương Thiên Sư (Trương Đạo Lăng), Lý Thiên Sư (Lý Tịch) được đặt ngồi trên bệ riêng nhưng cùng hàng, tượng Lão Tử ở giữa, hai tượng kia ở hai bên. Ba nhân vật lịch sử này thường đi cùng với nhau do gắn với sự ra đời và phát triển của Đạo giáo. Ở chùa/quán Lâm Dương, tượng Thái Thượng Lão Quân trong tư thế ngồi trên bệ, thả chân xuống tự nhiên, đầu đội mũ, chân mày và râu trắng, mặc trang phục được chạm và vẽ những hình rồng, mây, lá quen thuộc ở thời Nguyễn giống như tượng Thổ Địa. Tượng Trương Thiên Sư dưới dạng một vị quan ngồi trên bệ, đầu đội mũ nhỏ có hai tai, mình mặc áo triều phục, tay phải để trên đùi, tay trái cầm quyển sách sách đạo đưa lên. Tượng Lý Thiên Sư được làm gần giống tượng Trương Thiên Sư, khác một vài chi tiết như mũ chỉ có một tai, hai tay nắm chặt thể hiện sự kiên quyết. Hai pho tượng này dáng linh hoạt, ít có trang trí nhưng cùng phong cách với bộ tượng Cửu Diệu Tinh Quân có niên đại thế kỉ XVII.
Phật điện chùa Đa Sỹ – chùa Lâm Dương khá đông đúc, tiêu biểu là hai pho tượng Quan Âm tọa sơn ở hai gian bên trái và phải góc sát tường hồi Thượng điện. Tượng trong tư thế ngồi trên hòn giả sơn, đầu đội mũ thiên quan có những hoa nổi khối, áo buông dài, chảy, được chạm kênh bong với nhiều nét điển hình gắn với phong cách nghệ thuật thế kỉ XVII.
Tại chùa Đa Sỹ – chùa Lâm Dương còn có cặp tượng Phạm Thiên – Đế Thích nhưng không xếp hàng dọc như ở chùa Linh Tiên Quán mà vẫn xếp hàng ngang hai bên tượng Thích Ca Sơ Sinh nên vẫn giữ được bài trí cơ bản của Phật điện. Ngoài ra còn có nhiều tượng hậu ghi nhớ những người có công tu bổ, tôn tạo chùa/ quán Lâm Dương qua các thời kì.
Bên cạnh hệ thống tượng thờ, chùa Lâm Dương còn nhiều hiện vật quý khác là bia đá, chuông đồng, câu đối và hoành phi. Có tất cả 10 tấm bia được tạo vào các thời điểm khác nhau như:
– Hưng tạo Lâm Dương quán bi, tạo năm Vĩnh Tộ 10 (1628) ghi chép việc một vị hòa thượng đã dựng tòa Thượng điện, Thiêu hương, Tiền đường, Hậu đường, hai bên hành lang, cùng tạo tượng, tạc vườn bia, vườn hoa vây quanh.
– Tạo hậu Phật bi, phong cách nửa đầu thế kỉ XVII gắn với việc vợ chồng ông Huyện thừa huyện Tống Sơn công đức giúp dân 200 quan tiền và 2 mẫu ruộng.
– Cúng công đồng tư đức, tạo năm Vĩnh Trị 5 (1680) ghi chép trụ trì bản tự Nguyễn Văn Quang, tự là Đạo Tiến chân nhân cùng vợ là Nguyễn Thị Chỉnh đã cùng dân làng xã cúng công đồng.
– Tạo hậu Phật bi, tạo năm Chính Hòa (1680 – 1705) ghi chép về việc bà họ Nguyễn, húy Đạo, hiệu Diệu Nhân chân nhân đã công đức giúp dân 50 quan tiền và 5 sào ruộng để làm lễ giỗ.
– Hậu Phật bi kí/ Lâm Dương quán tự bi, tạo năm Bảo Thái 5 (1724) ghi chép việc bà họ Đặng, hiệu Diệu Hảo chân nhân cúng 20 quan tiền cùng với bà họ Hoàng dựng lại chùa, được dân bầu làm hậu Phật.
– Hậu Phật bi kí, ghi chép việc bà họ Hoàng, húy Điều cúng 20 quan tiền để dựng lại chùa/quán Lâm Dương do lâu ngày bị đổ nát, được dân bầu làm hậu Phật.
– Tạo hậu Phật bi, khoảng đầu thế kỉ XVIII, ghi chép việc bà họ Lê húy Hai, hiệu Diệu Hiền chân nhân, đã công đức giúp dân xã 100 quan tiền, 1 mẫu ruộng, được dân bầu làm hậu Phật.
– Trùng tu Lâm Dương quán bi, được tạo khoảng thế kỉ XIX ghi chép việc một số nhà sư và Phật tử đã đứng ra chung sức mở mang quy mô cho quán rộng hơn, xây thành 5 gian Tiền đường, 3 gian Thượng điện, 2 gian Thiêu hương, 14 gian hành lang hai bên và 7 gian hậu phòng. Văn bia cũng cho biết thêm, Quán Lâm Dương có từ xa xưa, tương truyền do người Bắc xây dựng song không rõ từ bao giờ, lúc đầu chỉ có 3 gian Tiền đường nội diện, 1 gian Thiêu hương.
– Nguyễn Nghiêm tộc bi kí, gắn với nhà sư Nguyễn Nghiêm có tượng thờ ở trong chùa.
– Lâm Dương quán bi kí/ Kỉ niệm bi kí, tạo năm Bảo Đại 15 (1944) ghi chép lại việc dựng Tam quan và nhà bia để bảo vệ tấm bia này.
Ngoài ra còn có cây hương cúng ở sân gọi là Lâm Dương quán thạch hương đài, dựng năm đầu thời vua Cảnh Hưng (1740).
Cùng loại với bia đá là quả chuông đồng mang tên Lâm Dương quán chung, đúc năm Quý Sửu đầu đời Cảnh Thịnh (1793), hai chữ Cảnh Thịnh đã bị đục nhưng vẫn có thể đọc rõ chữ. Chuông có dáng thon dài, núm đánh tạo hình hổ phù ngậm mặt trăng. Chuông có bài minh do vị Thích Lục quán Lâm Dương soạn ca ngợi tiếng chuông giác ngộ lòng người và địa danh Đan Sĩ đã được chuyển sang Đa Sĩ.
Chùa Đa Sỹ – chùa Lâm Dương cũng như một số ngôi chùa khác còn giữ được bộ ván in Lục thù Hải hội khắc nhiều câu kinh thần chú và hình hoa sen, các thần tướng… để in trên giấy hoặc vải lót khi khâm liệm cho người đã khuất. Người ta tin rằng như thế người đã khuất sẽ được thần linh, trời, Phật che chở, không bị ma tà quấy nhiễu.
Chùa Đa Sỹ – chùa Lâm Dương hiện nay được xây dựng với quy mô khá rộng lớn với đầy đủ các hạng mục công trình, tuy giá trị kiến trúc nghệ thuật không thật tiêu biểu nhưng lại bảo lưu được nhiều di vật quý như: hệ thống bia đá và án gian thời Lê, chuông đồng thời Tây Sơn, đặc biệt là hệ thống tượng thờ phong phú và phức tạp, phản ánh đậm nét những tư tưởng của Đạo giáo chính thống, đồng thời cũng thể hiện xu hướng bản địa hóa của Đạo giáo, sự kết hợp với Phật giáo, tín ngưỡng dân gian để đan xen phát triển trong các thời kì lịch sử.
——————————————–
KẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI ĐỂ BIẾT THÊM THÔNG TIN
📧Email: langnghedasy05@gmail.com
📱Tiktok: @phuonghoangdaokeo
☎️ Hotline: 0886794777 (Ms Phượng)
🏠Địa chỉ: 132 tổ 7 Đa Sỹ Hà Đông Hà Nội