DU LỊCH LÀNG NGHỀ CÙNG NGHỀ LÀM DAO KÉO ĐA SỸ
Theo sách Dư địa chí của Nguyễn Trãi thì làng Đa Sỹ xưa có tên là Sẽ, rồi Huyền Khê. Tên là Huyền Khê vì làng gần suối có tên là “Suối Khê” có nước màu Huyền (màu đen) bao quanh (tức Sông Nhuệ ngày nay).
Vào thời Lê, làng có danh sỹ Hoàng Đôn Hòa nổi tiếng, nhân dân khắp mọi nơi về quê hương ông để được chữa bệnh. “Y viện” là nơi ông bà trồng thuốc, chế thuốc lúc nào cũng đông đúc người đến chữa bệnh, đợi ông để đến lượt được chữa bệnh. Theo đó, tên làng “Huyền Khê” được đổi thành “Đan Sỹ”. Cuối thời Lê, làng có nhiều người đỗ đạt, thành danh như: Tiến sĩ Hoàng Trình Thanh, Hoàng Nghĩa Phú, danh y Hoàng Đôn Hòa, Trịnh Đôn Phác… nên làng được đổi tên là “Đa Sỹ” (nhiều sỹ tử, nhiều tiến sỹ, nhiều quan) “Đa Sỹ cố danh hương”.
Làng Đa Sỹ đầu thế kỷ XIX là một xã thuộc tổng Thượng Oai, huyện Thanh Oai, phủ Ứng Thiên, trấn Sơn Nam Thượng; đầu thế kỷ XX là xã thuộc tổng Thượng Thanh Oai, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông; nay là Đa Sỹ, thuộc phường Kiến Hưng, quận Hà Đông. TP Hà Nội
Lý do chọn Đa Sỹ làm điểm du lịch làng nghề
Làng có nghề rèn truyền thống đã hình thành và phát triển hàng trăm năm. Theo truyền thuyết cùng lời các bậc cao niên trong làng và những tài liệu của cố giáo sư Trần Quốc Vượng, nghề rèn ở Đa Sỹ có từ thời Hùng Vương thứ 18. Nhưng phải đến thời Trần thì Đa Sỹ mới chính thức trở thành làng rèn chuyên nghiệp khi hai cụ Nguyễn Thuật và Nguyễn Thuần đến từ Thanh Hóa truyền dạy bí quyết nghề rèn để tạo ra những sản phẩm tinh xảo cho dân làng. Vào hai ngày: ngày 27/3 và 25/8 âm lịch hàng năm, người dân làng Đa Sỹ lại tổ chức cúng lễ hai cụ tổ nghề là Nguyễn Thuật và Nguyễn Thuần rất linh đình nhằm tưởng nhớ những người khai nghiệp cho dân làng có được cuộc sống ấm no như ngày nay. Qua khảo sát, hiện làng có 38 sắc phong, 01 bản hương ước lập năm 1915, hiện đang lưu tại Viện Thông tin Khoa học xã hội; 01 bản địa bạ lập năm Gia Long 4 (1805) hiện lưu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia.
Các sản phẩm rèn của làng Đa Sỹ phong phú về chủng loại, kiểu dáng, kích thước, từ các sản phẩm phục vụ trong căn bếp gia đình, nhà hàng, ngày nay các sản phẩm dao kéotại một số xưởng tay nghề cao của làng nghề Đa Sỹ đã được một số bạn bè quốc tế chú ý đến và đã có những đơn hàng xuất khẩu đến Đức, Ba Lan, UAE…
Khoảng 10 năm về trước, sản phẩm của làng rèn Đa Sĩ được làm thủ công. Đầu tiên là xẻ sắt (cắt phôi) thành hình dạng của sản phẩm, sau đó cho lên lò nung với nhiệt độ gần 1.000 độ. Tùy thuộc vào từng loại nguyên liệu thép và sản phẩm tạo ra dày mỏng, thời gian nung sẽ khác nhau. Khi phôi thép nung có màu đỏ trắng thì bỏ ra quai búa. Dao kéo của làng rèn Đa Sỹ thường rất bền bởi kỹ thuật nung thép của người Đa Sỹ là không để “phát hoa” (nung quá lửa) vì như thế dao sẽ dễ bị mẻ, hay khi vừa rèn xong, tôi qua nước đủ thời gian, nếu không dao sẽ bị giòn, dễ vỡ như gang. Do yêu cầu thao tác quai búa phải nhanh, mạnh, dứt khoát, đòi hỏi rất nhiều sức lực của người thợ, vì thế người đứng lò hầu hết là các thanh niên trai tráng trong làng. Khi sản phẩm thô đã qua giai đoạn làm phôi, nung, rèn, thì đến giai đoạn “dẻo” (gọt bỏ những phần sắt thừa) để tạo thành hình dáng hoàn chỉnh của sản phẩm, rồi cho vào lò nung lại đến khi đỏ trắng, tiếp tục “tôi” qua nước trắng khoảng 10 – 15 độ hoặc dầu để lấy màu rồi đến công đoạn gọt cánh. Người thợ gọt cánh phải gọt thẳng xuôi theo chiều lưỡi dao nghiêng 45 độ, tay gọt phải khéo, đều để lưỡi dao hay lưỡi kéo có độ mỏng đều nhau, như thế sản phẩm mới có độ sắc. Các công đoạn tiếp theo mài nước, gạt màu, đánh phớt bóng, bôi dầu, tra cán thường được người phụ nữ và thiếu niên đảm nhiệm bởi khâu này chỉ đòi hỏi kỹ thuật chứ không cần đến sức lực.
Trải nghiệm du lịch làng nghề cùng Hoàng Tùng Đa Sỹ
Hiện nay, làng nghề Đa Sỹ vẫn còn rất nhiều các hộ sản xuất trực tiếp. kết hợp với 1 số máy móc thay thế được 1 vài công đoạn tiết kiệm sức lực nên bà con tham gia sản xuất cũng không còn cực như trước nữa, bà con có nhiều thời gian dành cho gia đình và các hoạt động xã hội.
Với lợi thế nằm tại thủ đô Hà Nội, cách trung tầm TP khoảng 10km về phía Nam, nên du lịch làng nghề Đa Sỹ hiện nay được khá nhiều du khách nước ngoài ghé thăm thăm quan chụp ảnh, nói chuyện với nghệ nhân để hiểu thêm về quá trình sản xuất và đắc biệt một số du khách còn tham gia trực tiếp vào quá trình sản xuất ra 1 con dao.
Cùng với sự quan tâm của Sở du lịch TP Hà Nội, hiện này chúng tôi cũng có một số tour du lịch làng nghề thăm quan trải nghiệm làng nghề dao kéo Đa Sỹ cho du khách nước ngoài muốn đến tham quan và trải nghiệm làm dao.
Du lịch làng nghề không chỉ phát triển về kinh tế mà còn gìn giữ, phát huy nghề truyền thống của làng nghề Đa Sỹ nói riêng và Hà Nội nói chung
LIÊN HỆ VỚI CHÚNG TÔI ĐỂ ĐƯỢC THAM QUAN DU LỊCH LÀNG NGHỀ