MIẾU LÀNG ĐA SỸ – NIỀM TỰ HÀO CỦA LÀNG NGHỀ

Miếu làng Đa Sỹ thờ danh y Hoàng Đôn Hòa người ở thôn Huyền Khê (nay là làng Đa Sỹ Hà Đông). Ông thi đỗ Giám sinh có tài đặc biệt về nghề thuốc, nổi danh không chỉ trong nước và nước ngoài cũng biết đến tiếng tăm của ông.

                                                                                     Bia về lương y Hoàng Đôn Hòa

Lịch sử miếu làng Đa Sỹ

Tương truyền, công chúa Phương Anh (con vua Lê Thế Tôn) lâm bệnh hiểm nghèo, danh y khắp cả nước không ai chữa khỏi. Nhà vua mời Hoàng Đôn Hòa chữa bệnh cho công chúa mới khỏi, sau vì mến tài đức của ông nên gả công chúa, phong cho ông làm phò mã.

Năm 1574, triều đình cất binh đánh quân Mạc ở Thái Nguyên, ông được cử làm “Điều hộ lục quân” (theo quân đội để chữa cho quân binh). Sau khi thành công trở về, ông được thăng chức Thị nội thái y viện thủ phiên và được phong tước Lương dược hầu.

Ông là người không màng danh lợi hay chức tước nên khi làm quan được một thời gian thì ông xin nghỉ, cùng vợ về quê sinh sống, làm thuốc và dạy học. Ông thường lấy sự nghiệp là y đức cứu người bệnh. Ông bà dùng các cây cỏ tại quê hương và tự trồng cây làm thuốc chữa bệnh. Có những người bệnh nghèo, không có tiền chi trả, ông bà không những cứu chữa mà còn cấp cả tiền bạc. Nhân dân khắp nơi được ông bà chữa bệnh bằng tài năng và tâm đức.

Trong sự nghiệp, Hoàng Đôn Hòa còn soạn ra cuốn Hoạt nhân toát yếu, một tác phẩm y học đương thời mà sau đó được vua nhà Thanh biết đến, đã thán phục và phong ông là “Lịch thế y”. Tác phẩm Hoạt nhân toát yếu gồm 208 phương thuốc điều trị các loại bệnh và dành riêng một chương nói về cách giữ gìn sức khỏe, gọi là “phép dưỡng sinh về dược học”. Qua cuốn “hoạt nhân toát yếu”, có nhiều bài thuốc được đúc kết, trong đó có tới 265 bài là vị thuốc nam.

Hoàng Đôn Hòa là một vị thầy thuốc có tài đức, tâm huyết, có lòng thương dân, có nhiều công lao cho nền y học nước nhà. Ông được đánh giá là vị “Bác sỹ quân y” đầu tiên của Việt Nam với bài thuốc “cao đan hoàn tán” – tức dùng thuốc uống kết hợp với bôi xoa. Khi ông mất, nhân dân Đa Sỹ cảm mến công đức nên lập miếu tại chính ngôi nhà của ông bà để thờ phụng muôn đời. Nay chính là miếu làng Đa Sỹ. Trong miếu còn đôi câu đối có nội dung ghi:

Giang chử trạc linh, tích lưu hiển thánh;

Quốc ân trùng điệp, tinh biểu phúc thần.

Nghĩa là:

Bãi sông để lại dấu thiêng nơi ông bà được dân tôn vinh là bậc thánh.

Ơn đức liên tiếp trao tặng cờ xúy biểu dương ông là phúc thần.

Miếu làng Đa Sỹ tọa lạc gần sông Nhuệ, khuôn viên có cây bồ đề lâu năm, bao gồm các hạng mục: Nghi môn dạng cột đồng trụ, Phương đình, Tả hữu mạc, Tiền tế và Hậu cung.

Nghi môn: gồm 2 cột đồng trụ tạo thành lối đi chính dẫn vào di tích. Trên thân ghi câu đối bằng chữ Hán, hai bên cột trụ có tường lửng bao phía trước:

Nhân kiệt địa linh, tú thủy kỳ sơn chung dục cựu;

Xuân hy vật lạc, tường phong thục khí phát sinh tân.

Nghĩa là:

Đất thiêng sinh ra người anh kiệt, nước trong núi hun đúc từ cổ xưa;

Xuân ấm áp sinh cảnh vật vui tươi, khí lành gió mát làn nảy trồi lộc mới.

Cấu trúc miếu làng Đa Sỹ

Phương đình: là một công trình kiến trúc khá độc đáo, được cổ nhân làm theo kiểu chồng diêm hai tầng tám mái, có 16 cột bằng gỗ và 12 cột gạch chạy xung quanh đỡ các mái. Trung tâm Phương đình là bốn cột gỗ lớn (cột cái) đỡ toàn bộ kiến trúc. Về điêu khắc, ở đây có 4 bức cốn được làm vào thời vua Tự Đức với đề tài tứ linh: rồng cuốn thuỷ, rùa ấp lá sen, nghê mang hà đồ lạc thư, phượng hàm thư. Phía ngoài, đắp nổi trúc mai hoá rồng. Trên các ván bưng, người xưa chạm khắc các loại hoa: cúc, phù dung, đào, lựu, trúc, thông và chim trĩ. Tại đây treo bức hoành phi đề “Thần công hộ quốc” và “Vạn cổ phúc thần” và câu đối bằng gỗ, chữ khảm trai.

Tả hữu mạc: gồm 2 dãy nhà phía trước miếu thờ chính, được xây kiểu tường hồi bít đốc, phía trước để trống không bưng cửa.

Tiền tế: gồm 5 gian xây kiểu tường hồi bít đốc, nội thất treo bức hoành phi ca ngợi công đức của danh y Hoàng Đôn Hoà: “Thần công hộ quốc”, “Vạn cổ phúc thần”, “Thánh đức chương văn”, “Thần công mạc trắc”.

Hạng mục tiếp theo là Trung cung (Trung điện) được cổ nhân kiến trúc gồm ba gian. Hạng mục này được sửa chữa lớn vào năm Gia Long nhị niên (1803). Đến năm Khải Đinh thất niên (1922) lại được tôn tạo.

Trung tâm nơi thờ phụng ở chính điện được bày trí một hương án lớn chạm các đề tài: lưỡng long chầu nguyệt, hổ phù, chữ thọ, cây thông, trúc… Hai bên hương án bài trí hai chiếc lọng lớn và bát bửu, bát tiên. Đồ thờ được chạm khắc công phu, sơn son thếp vàng rực rỡ. Ở đây cổ nhân đã bài trí các bức đại tự “Dục tú chung anh”,”Âm dương hợp đức”, “Thọ tư dân”, “Lương y quốc”. Về cổ vật, ở đây có hai con hạc lớn tạc bằng gỗ cao 2 mét mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XVIII, đôi ngựa hồng và bạch đặt trên cỗ xe.

Hậu cung là ba gian nhà dọc, đáng chú ý có hai bộ vì kèo được làm theo kiểu Giá chiêng con nhị. Đây là hạng mục kiến trúc cổ nhất, có thể thuộc thế kỷ XVI – XVII. Hoạ tiết trang trí được cổ nhân chạm nổi Rồng mẫu tử. Hậu cung có một pho tượng thờ mang phong cách tả thực tạc người ở tư thế ngồi nghiêm trang, mặc áo thụng đỏ, đầu đội mũ cánh chuồn sơn son thếp vàng. Tượng miêu tả danh y Hoàng Đôn Hoà quắc thước nhưng nhân hậu. Tượng được tạc vào thế kỷ XIX. Cũng ở Hậu cung còn thờ hai cỗ long ngai bài vị – di vật thời Lê cùng cuốn Thần phả và 43 đạo sắc phong.

Hội miếu làng Đa Sỹ

Tương truyền, ngày 12 tháng Giêng là ngày giỗ danh y và nhân dân thường gọi là ngày vào hội làng. Lễ chính thức được tổ chức trong ba ngày, từ ngày 12 đến ngày 15/1 âm lịch hàng năm tại miếu làng Đa Sỹ. Đầu tiên là tục động thổ mang ý nghĩa chỉ sự hoạt động của nhân dân bước vào ngày mới với nghi thức ba hồi trống để báo cho nhân dân thức dậy để tổ chức rước kiệu có bài vị đức thánh về đình làng. Ngày 12, tổ chức rước kiệu về miếu, gọi là ngày vào đám. Phu kiệu phải là nam thanh niên chưa vợ, gái chưa chồng. Đi đầu đoàn rước là bức trướng, tiếp sau là cờ thần rồi đến bát bửu, đôi ngựa hồng, ngựa bạch. Tiếp theo là phường tuồng, quân cầm gươm vàng giáo bạc đi hai bên, ở giữa là ông Hương trưởng với trang phục như một quan võ, trên tay cầm thanh gươm vàng. Sau đến kiệu ông, kiệu bà, rồi kiệu cụ ông, kiệu cụ bà, tiếp đến là rồng và hai con sư tử.

miếu làng Đa Sỹ
                                                                 Lễ hội làng Đa Sỹ diễn ra từ 12/1-15/1 hàng năm

 

miếu làng Đa Sỹ
                                                                                        Đội ngựa hồng tại miếu làng Đa Sỹ

 

miếu làng Đa Sỹ
                                                                                                                 Đội rước kiệu bà

 

miếu làng Đa Sỹ
                                                                                                          Đội rước kiệu ông

 

Điều đặc biệt ở đây, cách qui định y phục cho mọi người rất nghiêm ngặt; các cụ gần 70 tuổi trở lên, mặc áo thụng mũ che tai, các cụ bà nhất thiết phải mặc quần áo dài, song không bắt buộc phải đồng bộ mà tuỳ theo từng gia đình, các cụ ông mặc áo thụng màu lam, tay phải chống gậy. Phu kiệu mặc áo dài quần trắng, khăn xếp, thắt lưng nhiễu điều bỏ túi cạnh sườn, nữ giới mặc quần thâm, áo dài màu hoa đào, thắt lưng xanh bỏ múi cạnh sườn. Song song với phần lễ thì các trò chơi dân gian cũng được tổ chức: đánh đu, chọi gà, đánh cờ, tổ tôm… ban đêm ở miếu tổ chức hát ca trù, hát dân ca…

Miếu làng Đa Sỹ đã được nhà nước xếp hạng là di tích Quốc gia. Từ xưa tới nay được chính quyền và nhân dân địa phương quan tâm bảo vệ chu đáo.

——————————————–
KẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI ĐỂ BIẾT THÊM THÔNG TIN
📧Email: langnghedasy05@gmail.com

📱Tiktok: @phuonghoangdaokeo

☎️ Hotline: 0886794777 (Ms Phượng)

🏠Địa chỉ: 132 tổ 7 Đa Sỹ Hà Đông Hà Nội

web: https://daohoangtungdasy.com/

Tập tin:2023 Facebook icon.svg – Wikipedia tiếng Việt Facebook: https://www.facebook.com/langrendaokeoDasy

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Gọi ngay