NƯỚC TÔI LƯỠI (NƯỚC TUI)
Rất nhiều khách hàng mua dao có hỏi về nước để tôi lưỡi dao (làng em hay gọi là tui lưỡi) và cách tôi lưỡi để làm sao lưỡi có thể sắc bén và không bị mẻ hay quằn lưỡi. Hôm nay xưởng rèn Hoàng Tùng xin phép chia sẻ một chút để các bác được hiểu thêm!
Hiện nay do sự phát triển của khoa học kỹ thuật nên đã có các lò cao tần sử dụng nhiệt độ thích hợp để tôi lưỡi dao. Tuy nhiên tại xưởng rèn Hoàng Tùng, nghệ nhân Hoàng Tùng vẫn sử dụng tôi lưỡi thủ công từng con dao trên than đá sau đó bác thợ nhúng nước muối loãng để hãm lưỡi dứt khoát một lần duy nhất.
Sau đó để khử ứng xuất và lấy dẻo, bác thợ hồi lại một chút bằng cách hơ lửa.
Dao chặt, vì chịu lực lớn theo cả phương dọc và ngang, nên ko thể tôi toàn bộ cả cây dao được. Phải để lại phần sống dao, tức phần không tôi, mềm dẻo để chịu lực. Nếu cả cây dao tôi cứng toàn bộ, khi sử dụng sẽ gẫy ngay khi chịu lực ngang và vặn.
Nhiều người nghĩ nước tôi càng sâu, dao càng dùng lâu, nhưng nó chỉ đúng cho dao thái, còn với dao chặt thì khác
Độ tôi sâu nhất cũng chỉ nên 2cm trở lại, cần giữ một nửa cho sống mềm dẻo. Cũng vì nhiều người nghĩ như trên, nên để chiều tâm lý khách, một số người sẽ yêu cầu bác thợ tôi một vài con thật sâu nước để quay video cho chuẩn thôi. Chứ thực tế, ít ai tôi cây dao chặt như vậy.
Đối với những con dao bầu nhọn, vì mũi dao nhỏ dần về tiết diện và cũng mỏng manh, nên đây là chi tiết rất dễ gãy khi dùng. Nên khi tôi dòng dao này cũng KHÔNG tôi sâu vì nếu tôi sâu, thì chiều dài mũi dao bị tôi toàn bộ sẽ khoảng 1 đốt ngón tay, như vậy lại càng dễ gãy. Mũi dao như đôi mắt, gãy mũi thì coi như hỏng!
Thế nên, sau khi hồi toàn bộ dao, bác thợ tiếp tục hồi lại nguyên đoạn mũi dao một lần nữa (Đv dòng dao bầu, nhọn, dao file cá), để làm cho phần mũi dao dẻo và giảm cứng hơn so với phần lưỡi còn lại. Sự giảm cứng này phải đủ độ, không được non, để lưỡi dao vẫn sắc và cắt gọt, thái lọc tốt.
Cách hồi dao của bác thợ, ta gọi là RAM hồi là tăng sự sống cho cây dao, tức tạo lại độ dẻo dai!
Bài viết dựa trên kinh nghiệm thực tế được đúc kết qua nhiều năm làm tại làng nghề, cũng như có tham khảo 1 số từ chuyên môn cho để khi viết các bác đọc cho dễ hiểu! Rất mong được nghe thêm những lời góp ý từ phía các bác!
Xưởng rèn Hoàng Tùng luôn lắng nghe những ý kiến từ các bác để hoàn thiện sản phẩm tốt hơn!